Apple đang đối mặt với nguy cơ không thể tiếp tục thu về 8 – 12 tỷ USD mỗi năm từ Google nếu công ty này thua kiện Bộ Tư pháp Mỹ (DOJ). Theo lập luận của DOJ, khoản tiền này đã mang về lợi thế không nhỏ cho Google trước các đối thủ khác trên thị trường tìm kiếm và quảng cáo, do được làm công cụ tìm kiếm mặc định trên iPhone.
Trong quý tài chính mới nhất, Apple kiếm được 26,44 tỷ USD từ doanh số bán iPhone, giảm từ 33,6 tỷ USD trong cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, mảng dịch vụ của hãng lại tăng trưởng đều đặn, mang về 14,55 tỷ USD quý vừa rồi. Nếu chia đều 12 tỷ USD cho mỗi quý, số tiền mà Google chi trả chiếm 25%. Về bản chất, “dịch vụ” giá trị nhất của Apple hiện này chính là “tấm séc” từ Google.
Tuy nhiên, giới phân tích của phố Wall cho rằng Apple chỉ thiệt hại trong ngắn hạn. “Phố Wall đang không quá lo lắng về tương lai của Apple, mặc dù tầm quan trọng của Google với công ty đang rất lớn, đặc biệt là ở mảng dịch vụ. Khi Google rời đi, Apple sẽ có ngay giải pháp thay thế – một công cụ tìm kiếm mới”, Dan Ives, nhà phân tích của Wedbush Securities, nhận định.
Trong cuộc họp với các nhà phân tích hôm 29/10, CEO Apple Tim Cook cũng tỏ ra bình thường khi nhắc đến việc DOJ kiện Google. “Tôi không rõ động thái của DOJ, nhưng việc kiện tụng còn lâu mới có kết quả”, Cook nói.
Các nhà phân tích dường như có niềm tin vào Apple. Khi Steve Jobs qua đời, rất nhiều dự đoán khi đó cho rằng công ty này sẽ tàn lụi do không có gì để đột phá. Đúng là các sản phẩm Apple thiếu đột phá thời gian qua, nhưng Cook vẫn biết cách giữ sức hút cho chúng, thậm chí biến Apple thành một doanh nghiệp có vốn hóa 2.000 tỷ USD, trở thành công ty giá trị nhất thế giới.
Theo các chuyên gia, Apple có thể không bị tổn hại quá nhiều trong “cuộc chiến” giữa DOJ và Google vì một số lý do.
Thứ nhất, việc xét xử vụ kiện sẽ phải mất nhiều năm mới hoàn thành. Nếu Trump thất thủ trong cuộc bầu cử đang diễn ra, diễn biến của vụ kiện này có thể theo chiều hướng có lợi.
Thứ hai, kể cả khi DOJ chiến thắng, Google có thể sẽ chỉ giảm bớt chi tiêu cho Apple thay vì ngừng hẳn.
Thứ ba, Apple sẽ tập trung nhiều nguồn lực hơn cho mảng dịch vụ và mảng này có thể phát triển nhanh đến mức khoản tiền Google chi trả hàng năm trở nên nhỏ bé.
Thỏa thuận giữa Google và Apple được “đưa ra ánh sáng” cách đây 6 năm, trong một vụ kiện giữa Apple và Oracle. Thời điểm đó, Google trả cho Apple 1 tỷ USD mỗi năm. Các nhà phân tích từng dự đoán chi phí sẽ tăng lên theo từng năm, nhưng mức tăng gấp mười hai lần đã gây sốc.
Gene Munster, nhà phân tích kỳ cựu của Loup Ventures, đánh giá việc gộp số tiền của Google vào doanh thu hàng quý của Apple sẽ “làm cản trở nỗ lực tăng trưởng” của mảng dịch vụ. Ông cho rằng công ty iPhone nên tách riêng khoản này để lấy động lực cho mảng dịch vụ phát triển.
Vụ kiện giữa DOJ và Google làm dấy lên suy đoán rằng Apple có thể tung ra công cụ tìm kiếm riêng. Lý do khá đơn giản: Khi Apple sắp mất hợp đồng béo bở với Google, công ty có thể bù đắp khoản lỗ bằng cách xây dựng công cụ tìm kiếm của riêng mình và bán quảng cáo trên đó. Suy đoán này không phải là không có căn cứ khi cựu giám đốc mảng tìm kiếm của Google, John Giannandrea, đã về đầu quân cho Apple và hiện lãnh đạo bộ phận AI trên Siri.
Tuy nhiên, sẽ rất mâu thuẫn nếu Apple xây dựng công cụ tìm kiếm riêng. Từ trước đến nay, công ty luôn có luận điệu “tôn trọng quyền riêng tư của người dùng”, thậm chí không ít lần chỉ trích mô hình kinh doanh của Google, Facebook. Trong khi đó, bất kỳ công cụ tìm kiếm nào cũng phải dựa trên việc thu thập dữ liệu để cải thiện khả năng tìm kiếm và quảng cáo hướng đối tượng. Nói cách khác, Apple có thể phải “nuốt lời” trong tương lai.
Apple hiện kiểm soát khoảng 14% thị trường smartphone toàn cầu, phần còn lại gần như là các sản phẩm chạy Android của Google. Điều này có nghĩa là, kể cả khi phát hành công cụ tìm kiếm, công ty iPhone cũng khó có cửa để cạnh tranh.
Theo : Washington Post